Dùng nano bảo quản di tích
Thấy trên thế giới người ta ứng dụng sản phẩm công nghệ nano Guard Industry (Pháp) trong các dự án bảo tồn di sản trên thế giới, được UNESCO thừa nhận, anh Phạm Duy Bình, Giám đốc Công ty CP Nano Phạm Gia, đã tìm cách đưa các sản phẩm công nghệ nano từ nước ngoài như thương hiệu Guard Industry (Pháp), Everbrite (Mỹ), Gard Group (Canada) về VN. Sau đó, tự anh tìm đến một số khu di tích lịch sử, văn hóa để giới thiệu và thuyết phục người quản lý áp dụng giải pháp công nghệ nano vào việc phục hồi, chăm sóc và bảo vệ các công trình.
Cách nay 1 năm, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã chỉ định công ty của anh thực hiện bảo quản thí điểm các thành phần di tích hố khảo cổ Đoan Môn bằng công nghệ nano. Lúc đó, khu di tích khảo cổ đang bị rêu, nấm mốc, địa y, các loài thực vật mọc trên tháp xâm thực kết hợp một số yếu tố gây hại khác (nước mưa, hơi ẩm, nhiệt độ...) đã ảnh hưởng xấu đến di tích. Hằng năm, đơn vị quản lý di tích hố khảo cổ phải dùng các biện pháp thủ công để xử lý các yếu tố gây hại, nhưng hiệu quả không cao. Khi được giao thí điểm, anh Bình đã sử dụng Guard Industry của Pháp để loại bỏ rêu, cỏ, địa y, chống lại các yếu tố gây hại, gia tăng sự liên kết của các phân tử vật liệu. Anh cho biết nano phủ lên vật liệu công trình sẽ ngăn chặn sự xâm nhập của nước, hơi nước, mưa a xít, dầu... và có khả năng tự làm sạch theo cơ chế “hiệu ứng lá sen”, đồng thời vật liệu có thể “thở” (thoát hơi nước) được.
Xong thí điểm tại Hoàng thành Thăng Long, anh Bình trở vào Quảng Nam với các di tích Chăm. Mới đây, Sở VH-TT-DL Quảng Nam đã áp dụng thí điểm công nghệ nano Guard Industry (Pháp) ở di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh, cho kết quả khả quan. Tại vị trí trước khi thí nghiệm vật liệu bị mục ruỗng, bong tróc, biến đổi màu sắc và có nhiều rêu, nấm mốc, sau khi thí nghiệm được xử lý bằng công nghệ mới, vật liệu xây dựng tháp đã được loại bỏ các thành phần nêu trên, kết cấu bề mặt đảm bảo hơn, màu sắc được trả về tự nhiên, không tạo mảng, không làm thay đổi tính chất của vật liệu, bề mặt khô ráo, không thấm nước, thân thiện môi trường và có khả năng chống lại các tác nhân gây hại...
 
Theo anh Phạm Duy Bình, công nghệ nano này còn ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống như: phục hồi, chăm sóc và bảo quản các công trình hạ tầng, sản xuất vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, hàng tiêu dùng, dầu khí, viễn thông, điện lực, vận tải... “Tôi sẵn sàng chia sẻ, cung cấp giải pháp công nghệ này cho tất cả mọi người”, anh Bình nói.